Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
  • Liên kết website
  • Thống kê truy cập
  • Đang online: 1

    Hôm nay: 59

    Đã truy cập: 629497

Hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ

       Thực hiện Công văn số 1916/UBND-LĐTB&XH, ngày 31/8/2021 của UBND huyện Hậu Lộc Về việc triển khai thực hiện Quyết định số 18/2021/QĐUBND của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc ban hành chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2021 của Chính phủ,

       Ủy ban nhân dân xã Thành Lộc hướng dẫn cụ thể các bước thực hiện như sau:

  1. Đối tượng hỗ trợ:

       Người lao động (theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Việc làm) không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do), làm việc và cư trú hợp pháp trên địa bàn tỉnh (không thuộc các trường hợp đang hưởng lương hưu, trợ cấp xã hội, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp ưu đãi hàng tháng), làm một trong các công việc sau:

a) Thu gom rác, phế liệu không có địa điểm cố định;

b) Bốc vác, vận chuyển hàng hóa;

c) Lái xe mô tô 02 bánh chở khách (xe ôm truyền thống và xe công nghệ), xe xích lô chở khách;

d) Đánh giày, thợ xây, phụ hồ; giúp việc gia đình theo giờ, theo ngày không có địa điểm cố định;

e) Bán lẻ vé số lưu động;

í) Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định;

g) Tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong các lĩnh vực: Ăn uống, lưu trú, du lịch; cơ sở làm đẹp, chăm sóc sức khoẻ; cơ sở dịch vụ cung cấp dịch vụ không thiết yếu.

       2. Điều kiện hỗ trợ Người lao động thuộc đối tượng quy định nêu trên được xem xét hỗ trợ phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau:

Bị mất việc làm, không có thu nhập, gặp khó khăn do ở trong các khu vực bị phong toả, cách ly hoặc phải dừng, tạm dừng hoạt động trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (UBND tỉnh, UBND cấp huyện) để phòng, chống dịch Covid-19 trong khoảng thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

       3. Mức hỗ trợ và phương thức chi trả:

a) Mức hỗ trợ: Mỗi người chỉ được hỗ trợ một lần với mức 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thời gian thực tế tạm dừng hoạt động bị mất việc làm nhưng không quá 1.500.000 đồng/người/lần hỗ trợ.

b) Phương thức chi trả: Trả 01 lần cho người lao động bằng tiền mặt hoặc qua tài khoản ngân hàng (đổi với trường hợp cá nhân có tài khoản ngân hàng).

       4. Hồ sơ đề nghị:

Đề nghị hỗ trợ (01 bản chính) theo mẫu.

       5. Trình tự, thủ tục thực hiện:

a) Chủ tịch UBND xã thành lập Hội đồng xét duyệt (sau đây gọi tắt là Hội đồng) gồm các thành phần sau:

- Chủ tịch UBND xã là Chủ tịch Hội đồng; 01 Phó Chủ tịch UBND cấp xã là Phó Chủ tịch Hội đồng;

- Các thành viên gồm: Công chức Văn hóa - Xã hội, công chức Tư pháp - Hộ tịch, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, Chủ tịch Hội Nông dân, Bí thư Đoàn thanh niên, Trưởng Công an.

- Mời đại diện cấp thôn (đổi với nơi có người lao động gửi đề nghị hỗ trợ): Bí thư chi bộ, Trưởng thôn; Trưởng ban Công tác Mặt trận khu dân cư; Công an viên.

b) Người lao động nộp trực tiếp đề nghị hỗ trợ đến Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của UBND xã. Thời gian nộp hồ sơ: Từ nay đến ngày 31/01/2022.

c) Trong thời hạn tối đa 8 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đề nghị hỗ trợ của người lao động, UBND xã thực hiện đầy đủ các công việc sau:

- Vào ngày thứ 5 hàng tuần, UBND cấp xã tổ chức tổng hợp, kiểm tra danh sách người lao động thuộc đối tượng hỗ trợ.

- Hội đồng xét duyệt cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ, lập danh sách người lao động đủ điều kiện hưởng hỗ trợ. Trường hợp người lao động không đủ điều kiện hỗ trợ, UBND xã thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

 - UBND xã niêm yết công khai danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ tại nhà văn hóa thôn, trụ sở UBND xã và thông báo tối thiểu 04 lần trên hệ thống truyền thanh cơ sở trong 02 ngày làm việc, đồng thời đăng tải công khai danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ trên trang thông điện tử của UBND cấp xã.

Trường hợp không có phản ánh, khiếu kiện, trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc niêm yết, công khai thì UBND xã có Tờ trình (kèm theo danh sách người lao động đủ điều kiện hỗ trợ, biên bản họp Hội đồng) trình Chủ tịch UBND huyện (qua Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội).

d) Trong 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ của UBND xã, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ; đồng thời, gửi quyết định về Sở Tài chính, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp. Trường hợp không phê duyệt, Chủ tịch UBND huyện thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.

e) Trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch UBND huyện ban hành quyết định phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ, UBND xã thực hiện chi trả hỗ trợ cho người lao động.

       Vậy Ủy ban nhân dân xã Thành Lộc thông báo đến toàn thể người lao động và nhân dân được biết để thực hiện. Mẫu đơn đề nghị hỗ trợ, người lao động liên hệ bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Thành Lộc. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc gì, đề nghị người lao động và nhân dân liên hệ bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND, bộ phận Chính sách xã hội xã Thành Lộc để được hướng dẫn ./.

                                                                                                                          

Các tin liên quan