Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Cổng thông tin điện tử huyện Hậu Lộc
Bài tuyên truyền về viêm gan vi rút

Bệnh viêm gan vi rút là tình trạng tổn thương tế bào gan gây nên. Khi cơ thể bị nhiễm vi rút chúng sẽ tấn công nhu mô gan và khiến gan bị viêm và ảnh hưởng đến hoạt động chức năng gan. Có 5 loại vi rút chính gây ra được đăth tên là A,B,C,D và E. Bệnh viêm gan gây ra do vi rút đáng ngại hơn cả vì các loại vi rút gây viêm gan có thể lây qua đường tình dục, đường truyền máu, và đường từ mẹ sang con.

       Ở Việt Nam, tuy đã có vắc xin phòng bệnh từ hơn 20 năm qua nhưng vi rút viêm gan vẫn tiếp tục lan tràn và không ngừng hoành hành từ khắp thành thị cho đến nông thôn. Theo báo cáo mới nhất của Hội gan mật Việt Nam, hiện nay nước ta có khoảng 15-20% dân số mang siêu vi trùng viêm gan, trong đó có khoảng gần 9 triệu người nhiễm viêm gan vi rút mãn tính.

       Điều đáng nói là vi rút viêm gan rất khó phát hiện, do bệnh diễn tiến âm thầm với các triệu chứng mơ hồ, dễ nhầm lẫn với các bệnh khác. Cũng vì không biết mình mang mầm bệnh nên người bệnh lại vô tình lây nhiễm sang cho người khác khi quan hệ tình dục, mang thai, tiếp xúc với máu hoặc chất dịch cơ thể của người mắc.

       Viêm gan vi rút khi không được phát hiện và điều trị kịp thời rất dễ biến chứng thành xơ gan, ung thư gan, thậm chí là tử vong. Theo báo cáo của Tổ chức y tế thế giới, viêm gan vi rút là nguyên nhân gây ung thư thứ 2 trên thế giới và được xếp hàng thứ 9 trong những nguyên nhân gây tử vong hiện nay.

       Bên cạnh đó, việc điều trị viêm gan vi rút còn gặp rất nhiều khó khăn do virus ngày càng tăng khả năng kháng thuốc dẫn đến tỷ lệ đáp ứng trong điều trị thấp. Chi phí điều trị viêm gan vi rút lại rất cao, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng một tháng, trong khi đó đối tượng bệnh nhân đa phần ở độ tuổi lao động. Chính những điều này khiến viêm gan virus trở thành gánh nặng của bệnh nhân, gia đình và xã hội.

       Để viêm gan vi rút không còn đáng sợ

       Muốn đẩy lùi viêm gan virus, điều quan trọng nhất là phải nâng cao hiểu biết của người dân về căn bệnh này. Bởi hiểu đúng về bệnh, cách thức lây truyền, các triệu chứng thường gặp, tầm quan trọng của việc phòng bệnh và ngăn ngừa biến chứng… sẽ là chìa khóa quan trọng nhất để chúng ta có thể chặn được đường lây của virus, từ đó giảm tỉ lệ người nhiễm bệnh, giảm biến chứng và cuối cùng là giảm tỷ lệ tử vong. Để phòng tránh lây bệnh viêm gan vi rút chúng ta cần phải thực hiện tốt các nội dung sau:

        Các biện pháp phòng tránh lây nhiễm bệnh về gan

         1 . Tránh dùng chung vật dụng cá nhân

       Không dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân như dao cạo râu và bàn chải đánh răng với người viêm gan do vi rút hoặc có nguy cơ nhiễm viêm gan do vi rút.

       Không sử dụng chung kim tiêm khi tiêm chích ma túy và luôn đảm bảo rằng kim tiêm được dùng để xăm, xỏ lỗ, hay châm cứu đều vô trùng. Tốt nhất nên dùng kim tiêm mới tinh còn chưa mở. Ngoài ra, nếu bạn sống cùng người viêm gan do vi rút hay có nguy cơ mắc viêm gan do vi rút, hãy hạn chế dùng chung các vật dụng chăm sóc cá nhân như dao cạo râu và bàn chải đánh răng. Chỉ một lượng máu nhỏ trên vật dụng cá nhân của người viêm gan do vi rút có thể khiến người xung quanh nhiễm bệnh khi dùng chung vật dụng.

        2. Tiêm vắc xin

       Để phòng tránh bị lây nhiễm các bệnh về gan, việc quan trọng cần làm đầu tiên là tiêm vắc xin viêm gan A và viêm gan B. Việc tiêm vắc xin viêm gan B còn giúp bạn tránh nhiễm vi rút viêm gan D. Đã có vắc xin để ngăn ngừa vi rút viêm gan E nhưng hiện tại chưa được phổ biến rộng rãi. Chưa có vắc xin ngừa vi rút viêm gan C.

        3. Quan hệ tình dục an toàn

       Mặc dù máu là con đường lây truyền chính đối với một số loại viêm gan như viêm gan C, việc quan hệ tình dục không an toàn cũng khiến bạn gặp nguy hiểm. Sử dụng bao cao su và thực hành tình dục an toàn có thể giảm thiểu nguy cơ nhiễm vi rút.

       4.   Khi đã mắc bệnh viêm gan vi rút chúng ta phải thường xuyên khám bệnh theo dõi theo hướng và chỉ định của bác sỹ.

                                                                                 CC  Văn Hóa - Xã Hội